Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Canh lằng cà pháo


Hết tết, nhìn mặt ai cũng nung núc dầu mỡ của bánh chưng chiên, của khoanh giò xào, của thịt kho thịt hầm các kiểu. Nên cứ nhìn món gì có chút dầu mỡ là thấy ớn, thấy ngán, không muốn ăn. Hơn nữa trời lại nắng như thiêu đốt cũng làm cho cơ thể con người mệt mỏi, khó chịu dẫn đến ăn uống cũng không ngon miệng gì. Mùa này nên ăn uống những thứ thanh đạm như đồ chay, hay cứ rau luộc mà tống vào là lành, là dễ nuốt nhất.

Ở vùng Nghệ Tĩnh, quê gốc của mình, có thứ cây gọi là cây lá lằng hay gọi là cây chân chim hay cây ba gạc. Cây này mọc hoang. Người ta hái lá của nó về nấu canh ăn với cà pháo muối tạo thành món canh độc đáo của người xứ Nghệ.  Nấu canh có thể dùng lá tươi hoặc phơi khô xắt nhỏ như trà rồi để dành nấu canh quanh năm. Món canh lằng thì cũng đơn giản. Nấu nước sôi rồi thả vào một nắm lá lằng tươi hoặc khô, sau đó nêm mì chính (bột nêm) là xong. Đúng điệu là phải nêm với con ruốc (một loại tép nhỏ) của vùng quê hay mớ tôm mớ tép đồng cộng với mấy trái cà chua mọc dại ngoài vườn là có một món canh ngon-bổ-rẻ. Canh lằng có vị đắng nhân nhẩm khác với cái đắng của khổ qua, húp vào thì hơi đắng nơi đầu lưỡi nhưng rồi qua khỏi cổ họng lại để lại vị ngọt hậu. Trời nắng nóng, mà cứ húp bát canh lằng, rồi xới bát cơm trắng ăn với cà pháo mắm tôm thì thôi rồi. Coi chừng hết cơm sớm. Canh lằng - cà pháo, hai thứ đân giã này mà đi với nhau sao mà hợp nhau đến thế, nói nôm na là cứ như "bố nằm với mẹ". Món canh canh này còn là một bài thuốc quý kích thích tiêu hoá, thanh nhiệt trị các chứng mụn nhọt do nhiệt. Ngoài ra nó giã rượu cũng rất tốt.


Mình ăn nhiều canh lằng rồi nhưng mà chưa thấy mặt mũi thứ cây này như thế nào. Ở ngoài quê hay gửi lá lằng khô như là món quà quý của quê hương vào cho gia đình mình. Ông bà già mình thì cũng không thích môn này lắm, chỉ có mình và ông ngoại mình là thích món canh đắng đắng mang hương vị nắng nôi ngọt bùi của vùng quê hương khô cằn bởi gió Lào. Tết vừa rồi ở nhà ông bố đỡ đầu mình thấy có trồng một cây lằng cao hơn 2 mét. Lúc đầu cũng không biết là cây lằng vì nhìn ngoài cũng tựa tựa câu ngũ gia bì. Hỏi ra mới biết chính là nó. Được những người đồng hương làm công cho gia đình đào mấy cây từ ngoài quê Nghệ An mang vào Tây Nguyên và chỉ có cây này sống sót và phát triển tốt. Lấy máy hình chụp mấy tấm ảnh đem post cho bà con xem.

Những người dân xứ Nghệ đi làm ở khắp các vùng của tổ quốc đều mang món canh lằng đi cùng họ. Tết đến, nếu không có điều kiện về quê ăn tết, người xứ Nghệ thường đặt một bát canh lằng đạm bạc nhưng thanh tao bên cạnh mâm cỗ để hương vị của bát canh lằng làm dịu đi nỗi nhớ quê hương.

Đang có một mớ lá lằng khô, nấu canh ăn cho mát. Ai muốn ăn canh lằng thì đăng ký nhé!

Sài gòn, ngày 26.02.10
Gnasnt

->Read More...
Loading related posts...

0 comments:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem bài viết này. Hãy để lại ý kiến hoặc chia sẻ của bạn cùng tác giả nhé. Nhớ để lại tên để tôi còn cảm ơn bạn. Thân mến, Gnasnt

 

Copyright 2008 , EDITED BY SANGTRE