Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trãi nghiệm mùa nước nổi


"Nước nổi, người nổi..."

Đồng Tháp Mười đón chúng tôi bằng một ngày nắng đẹp, khác xa với thời tiết u ám mưa của Sài gòn bận rộn. Chuyến hành trình trải nghiệm mùa nước nổi miền Tây đầy phấn khích bắt đầu chào đón những du khách chúng tôi bằng một bữa trưa ngập tràn sản vật tự nhiên, tươi ngon, đầy sắc màu. Chúng tôi phải thỏa mãn cái bụng, nạp năng lượng trước khi bắt đầu khám phá mùa nước nổi. 

 Khác với miền Bắc & miền Trung, mùa mưa là mùa lũ mùa lụt, là mùa mà người dân ở đó rất ghét vì phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, với những mất mát tang thương về người và của cải. Còn đối với người miền Tây, mùa nước nổi lại trái ngược với người miền Bắc & miền Trung. Đây là mùa làm ăn. Người dân nơi đây háo hức đón chờ nước lên. Nước lên có nghĩa là ruộng đồng được bồi đắp phù sa màu mỡ. Nước lên thì tôm cá sản vật thiên nhiên lại tràn về đầy ắp cánh đồng để người nông dân thu hoạch kiếm sống. Một phần sản vật được vận chuyển đi các vùng khác của tổ quốc làm món đặc sản, phần còn lại sẽ trở thành món khô món mắm làm thực phẩm dự trữ cho những ngày mùa khó khăn. Mùa nước nổi là thế đấy. Nước nổi, người nổi.


Thêm chú thích

Sau bữa trưa, chúng tôi mất một tiếng đồng hồ để di chuyển đến thị trấn Tam Nông, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia Tràm Chim, là khu Ramsar thế giới tại Việt Nam. Thị trấn Tràm Chim là vương quốc của Tràm và Chim, là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, là lá phổi xanh của Nam bộ, bạt ngàn xanh với mênh mông tràm và những đồng cỏ ngập nước. Nhận phòng và nghỉ ngơi chốc lát. Đoàn chúng tôi háo hức với chương trinh đi giăng lưới bắt cá, những thứ thu hoạch được sẽ làm bữa cháo khuya tối nay. 

Hai chiếc xuồng chở những “thị dân” thực nghiệm giăng lưới bắt cá giữa vùng nước cạn mọc đầy cỏ lác, sen dại bong trắng , súng, điên điển, lúa ma và có thể có những … con đỉa đói chực chờ hút máu những “thị dân” béo tốt. Lúa ma hay còn gọi là lúa trời, thứ lúa mọc hoang trong vùng tự mọc chẳng phải do ai trồng, nước dâng lên cao đến đâu thì lúa mọc cao đến đấy. Múa ma khó tính, mỗi bông chỉ vài hạt chắc nên quí hiếm và dinh dưỡng rất cao. Hạt lúa dài, vỏ rất cứng, nấu cơm chín có màu hồng phớt, vị ngọt thanh và béo dịu nên được quy hoạch một phần diện tích để dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi cấp ngoại giao. Nên bây giờ lúa này còn gọi là lúa “Bộ”.

Ăn Mày Group & đồng bọn

Leo lên một đài quan sát chim ở bìa rừng, chúng tôi bắt gặp một nhóm du khách xen lẫn người địa phương đang nhậu. Họ thấy chúng tôi liền nằng nặc bắt giao lưu uống vài ly bia và làm vài khúc rắn nướng mọi. Không thể từ chối, tôi và một người bạn đồng hành đành phải cầm ly cụng và làm vài miếng mồi đặc sản rắn nướng, cá nướng để đáp lại long hiếu khách của họ. Vui quá. 

Tiếp tục cuộc hành trình là chuyến du ngọan bằng tắc ráng đi sâu vào trung tâm của VQG Tràm Chim. Cây tràm nước còn gọi là cây bách bì. Rừng tràm ở đây không còn là rừng nguyên sinh mà là rừng tái sinh. Kênh rạch chằng chịt ngang dọc, xung quanh xanh thẳm một màu xanh của cỏ lác, cỏ ống, sen dại, và các loài cây đặc hữu khác của vùng ngập nước. Chuyến du ngọan vào buổi chiều tà, là lúc các loài chim đi kiếm ăn bắt đầu trở về tổ. Những đàn cò trắng muốt, những con chim bói cá xanh, những con gà nước, bìm bịp, cò ma lọ mọ bên bờ kênh,... Mất hơn 45 phút để đến đài quan sát chim ở trung tâm VQG để ngăm nhìn toàn cảnh. Hít thở không khí trong lành mát đến tận phổi, một người trong nhóm thốt lên: "sướng thế này chả muốn quay về chạy doanh số nữa...". 

"Sướng quá, chả muốn về nhà nữa..."

 Trên đường về gần đến bến tàu, một cơn mưa nặng hạt bất chợt kéo đến. May quá, không bị ướt. Bữa cơm chiều của trung tâm dịch vụ đã sẵn sàng. Má ơi, ngon quá đi mất. Toàn là đặc sản mùa nước nổi. Vừa đói, vừa lạnh vì trời mưa. Bữa cơm trở nên ấm áp hơn khi có mấy chai vang của anh đồng bọn mang theo. 

Trời tháng 10 nhanh tối và tối đen như mực. Mới mưa xong nên bầu trở chả có trăng sao gì tất. Chúng tôi đi thăm lưới xem có thu hoạch gì không. Phải dùng đèn pin rọi đường để chèo thuyền ra gỡ lưới bắt cá. Với những thị dân như vợ tôi & một số đồng bọn khác, được tận tay gỡ những con cá mắc lưới là một trãi nghiệm thật thú vị. Ô kìa, có cả rắn. Những con rắn bông súng, rắn nước đi kiếm ăn bị mắc lưới. Mấy chú này thì đành phải nhờ mấy đồng chí chèo thuyến bắt dùm kẻo bất chợt mấy chú lại xin tý huyết. Kết quả thu hoạch được một mớ cá đồng các loại &; hơn chục chú rắn đủ để nấu một nồi cháo đậu xanh. Tuy nhiên, mới ăn xong đang no mà trung tâm dịch vụ lại xa khách sạn nên cho người ta luôn. Ở khách sạn vẫn còn thực phẩm và trái cây dự trữ mang theo. 

Khuya là chương trình đan quạt mở rộng kéo dài đến 1 giờ sáng hôm sau. Một ngày vui chơi rộn rã, một bữa tối xòe quạt giải trí muộn đã khiến chúng tôi quên đi những áp lực của công việc và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ vô thường. 

"Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn..."

Sáng hôm sau trước khi trả phòng, chúng tôi được chủ khách sạn mời một bữa sáng nhẹ với bánh trôi nước nhà làm với xôi vò. Những viên trôi nước được nhuộm màu tím của lá cảm, màu xanh của lá dứa trông thật ngon lành, bắt mặt. Chúng tôi nâng niu chén chè ngắm đã mắt rồi từ từ thưởng thức. Thật ngọt ngào & ấm áp bởi lòng hiếu khách của người miền Tây. Chốt hạ là bữa cháo cá sáng ấm bụng. Cháo thật ngon, ai cũng làm mấy chén đầy. 

Cảm ơn những người miền Tây hiếu khách đã cho chúng tôi một kì nghỉ cuối tuần thật vui vẻ. Hẹn ngày gặp lại. 

Sài gòn, ngày 16/10/2012 
Gnasnt

->Read More...
Loading related posts...

1 comments:

Unknown nói...

Ngon ngon

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem bài viết này. Hãy để lại ý kiến hoặc chia sẻ của bạn cùng tác giả nhé. Nhớ để lại tên để tôi còn cảm ơn bạn. Thân mến, Gnasnt

 

Copyright 2008 , EDITED BY SANGTRE